Có lẽ hình ảnhlượm nhặt phế liệu của nhiều người trên phố không còn quá xa lạ đối với mỗi người chúng ta. Những thứ mà họ lượm nhặt có thể là đồ ăn phế thải, đồ dùng cũ hay những vỏ chai nhựa, nhôm cũ để đem bán lấy tiền,… Việc kiếm sống từ những loại rác thải từ người khác không phải là điều dễ dàng và vui vẻ gì nhưng thực tế, cuộc sống vẫn còn tồn tại những câu chuyện như vậy.
Theo thống kê, trên toàn thế giới có đến 15 triệu người vẫn nhặt phế liệu hàng ngày để kiếm sống. Họ lượm nhặt phế liệu từ những bãi rác để bán kiếm tiền cũng như để sử dụng lại.
Khắp nơi trên thế giới, nơi đâu cũng tồn tại đâu đó những con người kiếm sống từ những thứ phế thải từ người khác như thế này.
Từ người già cho đến trẻ nhỏ, rác thải và phế liệu dần trở thành một phần gắn liền với cuộc sống hàng ngày của họ. Chẳng màng đến cái mùi ngai ngái hay đống vi khuẩn mang bệnh. Những bãi rác thế này mang theo những hy vọng của họ, những hy vọng nhỏ nhoi về một bữa cơm cho qua cơn đói.
Không mơ về ngày thoát khỏi cảnh nghèo đói, cái mà những con người khốn khổ đang loay hoay bới móc ở những bãi chứa phế liệu này mơ về chỉ là một giấc mơ ngắn hạn: cơm đủ no, áo đủ ấm và một chốn náu thân…
Trong khi bạn bè cùng trang lứa đang được học hành và vui chơi, những đứa trẻ ở nơi đây lại vùi đầu nhặt lượm phế liệu từ đống rác vừa được đổ xuống. Liệu còn một tương lai tươi sáng nào dành cho chúng hay không?
Đã bao giờ bạn cảm thấy đắn đo hay chần chừ khi vứt đi một vài cái bánh cũ, đồ chơi điện tử lỗi thời hay những bộ quần áo lỗi mốt của mình chưa? Những thứ tưởng chừng vô dụng đối với bạn lại có thể đem lại niềm vui cho nhiều người khác như thế này.
Nếu như nhiều người lựa chọn những thực phẩm ngon nhất trong đám thực phẩm ngon để ăn thì người phụ nữ này đang phải tận dụng lại những thực phẩm đỡ hư nhất trong đống thực phẩm hư bị vứt đi để sử dụng làm nguồn thức ăn cho bản thân và gia đình.
Một vài đồng bạc lẻ mà việc bán phế liệu mang lại đối với bạn có thể không đáng gì chúng lại có thể cứu đói những đứa trẻ này đến vài ngày…
Đám phế liệu nhặt được từ những bãi rác cũng được coi là một loại “tài sản” đối với những người này. Chúng không giúp họ đổi đời nhưng chí ít, chúng sẽ giúp họ có tiền trang trải cuộc sống trong khoảng thời gián sắp tới
Nhìn những bãi rác khổng lồ như thế này rải rác tại nhiều nơi trên thế giới, bạn có nhận ra rằng lượng phế liệu mà chúng ta thải ra mỗi ngày đã chạm đến mức báo động đỏ không?
Từ đất liền cho đến sông, suối,… phế liệu đã tràn lan khắp lối. Không phải lúc này thì khi nào mới là lúc chúng ta nhận thức ra tình trạng tồi tệ của hành tinh này với sự bùng nổ của rác thải?
Đây không phải là trách nhiệm của riêng một cá nhân hay tổ chức nào mà đây là trách nhiệm, là nhiệm vụ của tất cả mọi người. Hành tinh của chúng ta đang cất những tiếng kêu cầu khẩn thiết trước lúc nó hoàn toàn ngập ngụa trong phế liệu và rác thải.
Sẽ rất vất vả để chúng ta bắt đầu những bước đi trong hành trình đầy thử thách với sự quyết tâm trả lại một hành tinh xanh sạch không còn rác thải nhưng điều đó không phải một giấc mơ quá xa vời. Bằng tiếng nói, bằng những hành động thiết thực và sự đồng lòng chúng ta hoàn toàn có thể mơ về điều đó trong một tương lai gần nhất.
Một hệ thống xử lý rác thải hiện đại hơn, chỉnh chu hơn. Một cộng đồng có ý thức hơn trong việc gìn giữ môi trường và một trái tim hướng về những hoàn cảnh còn khó khăn sẽ giúp chúng ta không còn phải ngậm ngùi mỗi khi nhìn thấy những hình ảnh như thế này.